Hoàng Khương và 1460 ngày


1 năm có 365 ngày, con số 1460 trên tiêu đề bài viết này của tôi chính là khoảng thời gian 4 năm - mức án dành cho trung tá Nguyễn Văn Ninh đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng tại Hà Nội, và phóng viên Hoàng Khương báo Tuổi Trẻ tại Sài Gòn.

Điểm chung duy nhất khiến tôi phải làm phép so sánh này đó là cả hai vụ án đều có liên quan đến lực lượng bảo vệ luật pháp - ngành công an.

Phóng viên Hoàng Khương là một nhà báo có nhiều bài viết chống tiêu cực sắc sảo của báo Tuổi Trẻ, đặc biệt là loạt bài viết bóc trần tình trạng tiêu cực, tham nhũng của lực lượng Cảnh sát giao thông - nơi mà cho đến nay chưa cơ quan chủ quản là Bộ Công an vẫn chưa tìm ra cách giải quyết dứt điểm tệ nạn này.

Nguyễn Văn Ninh là một trung tá công an, đã đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng và lạnh lùng trước tòa cho rằng ông ta rất bình tĩnh trong khi thi hành công vụ - trong khi đánh gãy cổ người dân.

Ở vụ án thứ 1: Ngày 13/01/2012, trong phiên sơ thẩm vụ án trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh chết dân, Viện kiểm sát (VKS) đã đề nghị mức án từ 3-4 năm tù giam cho bị cáo Ninh với tội danh "làm chết người trong khi thi hành công vụ".

Ở vụ án thứ 2: Chiều ngày 7/09/2012, Kiểm sát viên Phạm Thị Thu Hà (VKSND TP.HCM) trong phần luận tội vụ án "đưa hối lộ, nhận hối lộ và làm môi giới hối lộ" đã đề nghị mức án 6-7 năm tù giam đối với phóng viên Hoàng Khương báo Tuổi Trẻ với tội danh "đưa hối lộ" và Huỳnh Minh Đức, nguyên cán bộ Đội cảnh sát giao thông - trật tự - phản ứng nhanh Công an Q.Bình Thạnh với tội danh "nhận hối lộ".

Đề nghị của Viện kiểm sát cho ta thấy một góc nhìn và thể hiện những vô lý, bất công cũng như những dàn xếp để dẫn đến những cái gọi là "bản án bỏ túi" đằng sau hậu trường tòa án:

Làm chết người: đề nghị 3-4 năm.

Hối lộ: đề nghị 6-7 năm.

Tôi đơn giản chỉ làm một phép so sánh giữa hai đề nghị mức án của VKS để thấy rõ ràng rằng, vị trí của ngành công an, lực lượng được mệnh danh là "thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ" có sự ưu ái trước pháp luật.

Trước phiên tòa sơ thẩm, trung tá Ninh không thừa nhận hành vi tội ác của mình và ông không hối lỗi vì cho rằng đó là tai nạn nghề nghiệp và đề nghị được hưởng án treo.

Trong phiên tòa sơ thẩm, trước những thế lực bủa vây, nhà báo chống tiêu cực Hoàng Khương đã phải xác định mình có lỗi, hành vi là có chỉ vì sai sót về nghiệp vụ, với động cơ hoạt động trong sáng là phát hiện tiêu cực và đấu tranh chống tiêu cực, đúng với chủ trương của đảng và nhà nước.

1460 ngày giam giữ - cho hành vi đánh dân gãy cổ và bỏ mặc nạn nhân trong tình trạng nguy hiểm cho đến chết tại đồn công an Thịnh Liệt của trung tá Nguyễn Văn Ninh.
Kết quả là ngày càng có thêm nhiều người dân bị đánh, bị dùng nhục hình tra khảo và bị tra tấn cho đến chết tại đồn công an.

1460 ngày giam giữ - cho hành vi hối lộ của một phóng viên thừa nhận mình đã "sai sót về nghiệp vụ trong quá trình tác nghiệp" đối với lực lượng CSGT vốn có tì vết về nạn mãi lộ.
Đây là đòn dằn mặt cho tất cả những ai có ý định bóc trần sự thật hoặc đụng chạm đến "thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ".

Trên Facebook của mình nhà báo Huy Đức có viết:
Hành động của nhà báo Hoàng Khương có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng không thể coi là tội phạm vì không những không nguy hiểm cho xã hội mà còn làm giảm nguy hiểm cho xã hội.

Đối với tôi, trong tất cả sự công tâm và dựa vào nền tảng đạo đức và nhất là mục tiêu thật sự của vụ việc, nhà báo Hoàng Khương hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Mục tiêu sau cùng của anh không bao giờ là "đưa hối lộ, nhận hối lộ và làm môi giới hối lộ" để mang lại một lợi lộc gì cho riêng anh mà chỉ để qua đó có đủ bằng chứng sống về những hành vi sai trái của công an. Nếu anh có lỗi thì lỗi của anh là đã dựng bẫy công an thoái hóa.

Nhưng mục tiêu việc làm của anh nhất định là một mục tiêu trong sáng.

Mục tiêu việc làm của anh nhất định là để phục vụ và làm tốt xã hội.

Mục tiêu việc làm của anh nhất định nằm trong ý hướng chân chính của một nhà báo có lương tâm.

Tòa xử anh 4 năm tù không phải là nặng hay nhẹ mà là KHÔNG THEO LUẬT (Khoản 4, Điều 8 của Bộ luật hình sự: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”).(Trích Facebook Osin HuyDuc)

Với hai vụ án được xem như "án lệ" này thì:

1. Công an sẽ tự tung tự tác hơn khi sử dụng bạo lực với dân.

2. Các nhà báo chống tiêu cực sẽ dè chừng hơn.

Và mức án 4 năm, 1460 ngày bị giam giữ - mức thời gian dành cho 2 bản án - một kẻ giết người & một người phạm tội danh "đưa hối lộ" - chung quy chỉ để chứng tỏ rằng lực lượng "thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ" là bất khả xâm phạm.

Hay nói một cách khác: "Luật là tao, tao là luật"

Trên trang Dân Làm Báo, ngay sau khi có kết quả bản án của phiên tòa xét xử phóng viên Hoàng Khương, đã có một bài viết: Vụ án Hoàng Khương: Im lặng hay lên tiếng?

Câu trả lời dứt khoát phải là: chúng ta phải lên tiếng.


Phóng viên Hoàng Khương mỉm cười cùng đồng nghiệp tại phiên tòa. 
 Ảnh: Thuận Thắng - báo Tuổi Trẻ

NHỮNG NGÀY J YÊU DẤU (tt & hết)


NGÀY J THỨ BẢY : 9/09/2009

Hôm nay là ngày hết lệnh tạm giam thứ nhất của mình.
Chị cùng phòng nói rằng mình sẽ được thả vì mình không có tội.

Mình luôn tin là mình không có tội, còn việc được thả hay không thì mình chưa nghĩ tới, bởi mình không muốn trông đợi vào bất cứ điều gì. Nếu mình mất tự do và mình hoàn toàn không chịu chấp nhận sự thật này, điều này có nghĩa, mình sẽ nhanh chóng bị suy sụp bởi đã hy vọng quá nhiều. Mình hoàn toàn không muốn như thế.

Hôm nay mình được gặp chồng mình, vì họ gọi lên chứng kiến việc kiểm tra máy vi tính.

Họ tịch thu ở nhà mình hai cái máy vi tính và một số băng đĩa, đồ đạc cá nhân.
Mất vài tiếng để kiểm tra, và họ không tìm thấy gì trong máy tính của mình.
Mình cũng quen với việc bị niêm phong và lục soát tài liệu trên máy tính, sau lần làm việc với PA38.
Lại hỏi, lại nhắc lại, lại xoay quanh ý thức và nhận định.
Mình xác định là trôi theo dòng nước, mình nhận những gì mình đã làm, chỉ có thế, và hy vọng là nó sẽ không ảnh hưởng gì đến ai.

Ăn trưa, chồng về đi làm, mình thấy lòng thật bình thản, bởi mình xác định việc mình là tự do và ý chí của mình, không liên quan đến chồng hay bất kỳ người nào trong gia đình mình cho nên mình không muốn để cảm giác lưu luyến nó đè bẹp mọi suy nghĩ cá nhân.

Đằng nào thì mình cũng bị bắt rồi, tính tới tính lui cũng chỉ là thiệt hại, vậy tại sao phải tính toán làm gì cho mệt đầu?


15h20 :
Họ đưa cho mình tiếp một tờ giấy khác : Quyết định gia hạn tạm giữ lần 2 - từ 15h00 ngày 9/09/2009 đến 15h00 ngày 12/09/2009.
Mình nhẩm tính, vậy là cũng y chang như anh G. Có lẽ mình sẽ bị giam giữ lâu hơn 9 ngày.
Không buồn cũng chẳng vui.
Mình trở về trại giam trong tinh thần đã được chuẩn bị sẵn.

Có vài người mặc đồ công an nhìn mình theo kiểu dò xét, mình nhìn thẳng vào mắt họ, tại sao mình phải sợ họ khi mình không làm điều gì sai trái?
Mình ngạc nhiên vì phản ứng này của bản thân. Có lẽ mình đang chai lỳ.

Hôm nay, mình suy nghĩ khá nhiều khi họ đề cập đến “yếu tố nước ngoài”. Người Việt Nam sống ở nước ngoài thì không được xem là con Lạc cháu Hồng hay sao? Những người Việt ra đi và luôn đau đáu về Tổ quốc còn đáng trân trọng gấp ngàn lần những người đang sống trên quê hương mà vì lợi ích riêng của cá nhân sẵn sàng bán rẻ tài nguyên của đất nước, bán rẻ danh dự dự và coi thường tương lai của cả dân tộc.

Nếu “yếu tố nước ngoài” đánh động người dân hãy lên tiếng vì vận mệnh của dân tộc thì có gì là sai trái?
Chẳng phải có ai đó đã từng nói rằng, đất nước Việt Nam này là của cả dân tộc chứ chẳng phải của riêng của bất kỳ tôn giáo hay đảng phái nào đó sao???

Mình chợt nhận ra rằng, những người đối thoại với mình, họ luôn cho mình cái quyền nhân danh chính nghĩa. Nếu làm phép so sánh, thì cho đến giờ phút này, ngay trong thời bình, chẳng phải “chính nghĩa sáng ngời” cũng đang đi xin, đi vay và ngửa tay nhận viện trợ từ nước ngoài đó sao?? Bao nhiêu phần trăm của những phần viện trợ đó được sử dụng đúng mục đích???

Ngày thứ Bảy – ngày nhận quyết định gia hạn tạm giữ trôi qua trong những suy nghĩ miên man.--------------------------------

NGÀY J THỨ TÁM : 10/09/2009
Trời đã sáng, mình không biết là mấy giờ, và cả khoảng thời gian mà mình đánh dấu cho những ngày trên cũng là ước lượng chứ không chính xác.
Mình suy nghĩ mãi về việc có người đã hỏi mình "Tại sao mà mình thù ghét công an đến vậy?" - Có lẽ họ tự rút ra kết luận đó sau khi đọc bài viết của mình.
Mình cũng chẳng buồn tranh luận nữa.

Sự thật là mình không thù ghét họ, bởi mỗi người có một công việc, và tính chất của công việc phụ thuộc vào đặc thù của nó.
Họ làm vì cuộc sống, vì quyền lợi, vì mục tiêu cuộc đời của họ.
Làm sao có thể thù ghét những thứ có nguồn gốc, có cội rễ sâu xa như vậy?

Mình đồng ý với một người trong số họ khi ông ta cho rằng "tôi theo cách mạng từ bé, nên tôi không chấp nhận ai nói xấu cách mạng". Đó là lý tưởng, và phàm đã là người phải sống có lý tưởng. Tuy nhiên, mình biết chắc rằng, ông ấy sẽ không lý giải được cho mình những góc khuất của lịch sử, những sự thật mà người ta buộc phải che giấu vì quyền lợi cá nhân của những người thắng cuộc.

Tự nhiên mình nhớ đến truyện “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán quá. Mình nhớ, mình đã rất thích đọc quyển sách này cho đến khi mình đủ lớn để nhận ra rằng nó không có thật.. Những đứa trẻ như Mừng, như Kim… liệu có phải là một hình mẫu khác của trí tưởng tượng như Lê Văn Tám hay không??

Lịch sử phải được nhìn nhận bằng sự thật, dù có đau thương, mất mát hay uất hận thì cũng phải viết lại lịch sử bằng sự chân thật vốn có của nó.

Che giấu, bẻ cong lịch sử nhằm phục vụ mưu đồ chính trị là tội ác, là cách cư xử của những người tiểu nhân.

Mà đã là tiểu nhân thì không thể lãnh đạo được dân tộc. Nếu họ đọc được những suy nghĩ này của mình, chắc hẳn họ sẽ không mỉm cười nổi với mình đâu. Mình tin là như vậy.

8h:

Họ đưa mình đi lăn tay và chụp hình. Mình ngạc nhiên và thắc mắc vì mình đang bị tạm giữ. Và họ giải thích rằng theo quy định của trại giam họ buộc phải làm thế.
Cán bộ trại giam một lần nữa khẳng định : mình thật là dại dột, mình đã tự bôi đen vào lý lịch của mình.
Lần thứ n họ nhắc cho mình nhớ, mình thật là dại dột.

8h30 :

Lại đi cung.
Họ muốn mình viết lại bản tường trình, vì theo họ bản hôm qua mình viết chưa thuyết phục lắm, viết ngắn quá.
Ừ thì viết, đằng nào mà mình chẳng đang ở trong tù, viết thêm một bản tường trình nữa thì chắc tội cũng chẳng nặng thêm mấy.
Có ba điều mình phải xác định là :

1- Mình bị lôi kéo, lợi dụng.
2- Mình chủ quan, không tìm hiểu động cơ, âm mưu chính trị sâu xa của các thế lực thù địch.
3- Cam kết không viết blog nữa.

Trong đầu mình cứ lấn cấn hoài chuyện không viết blog, buồn nhỉ!
Nếu phải đánh đổi tất cả để về với Nấm, mạng mình mình còn không tiếc thì tiếc gì cái blog?? Mình đã nghĩ như vậy, nhưng lúc viết cam kết mình cảm nhận được lòng mình chùng xuống lạ lùng.
Dù sao đi nữa, mình không còn có sự lựa chọn.

Buổi chiều mình được họ cho phép gặp gia đình, là mẹ và chồng, mình dứt khoát không gặp Nấm, bởi mình biết, nếu nhìn thấy con lúc này, cái vỏ bọc cứng rắn của mình sẽ bị sụp đổ, mình sẽ đau đớn hơn bao giờ hết khi nhìn vào mắt con.
Gặp mẹ, cảm giác tội lỗi lại dâng lên trong lòng, nó như con quái vật tồn tại ngay trong lòng mình hằng đêm và giờ đây là lúc nó trỗi dậy tàn phá cơ thể mình, tàn phá tinh thần mình.
Mình muốn mẹ biết mình khỏe, mình ổn.
Chỉ vậy thôi.

Trở về phòng giam, mình yêu cầu được đem thêm quần áo vào, họ không cho. Tính đến hôm nay, ngày thứ 8 trong tù, mình có hai bộ đồ để thay đổi.
----------------------------------

NGÀY J THỨ CHÍN : 11/09/2009

7h:
Lại ra ngoài công an tỉnh đi cung.
Hôm nay không tra hỏi, chỉ nói chuyện và làm công tác tư tưởng.
Họ đề nghị mình đọc bản tường trình để quay phim, và theo đề nghị thì mình sẽ không cầm giấy đọc, họ sẽ ngồi phía bên kia bàn để cầm giúp mình.
Họ yêu cầu mình đọc chậm và thật tự nhiên.
Mình cũng cố hết sức để hợp tác.
Tự nhiên trong lúc đọc, mình nghĩ đến anh Định, nghĩ đến Trung, mình hiểu cảm giác mà họ đã trải qua.
Mình xác định là mình không có con đường, không có lý tưởng để đấu tranh, nhưng những khó khăn mà mình phải đối mặt và trải qua những ngày gần đây thật là khủng khiếp.
Mình hiểu, họ chắc hẳn đã rất khó khăn để đi đến quyết định cuối cùng.
Một điều lạ lùng là những ngày gần đây, mình không thấy mệt mỏi với không khí trong phòng giam nữa.
Có vẻ như mình đã chấp nhận sự thật là mình đang ở trong tù.
Mình thấy bình thản và yên ổn hơn những ngày trước rất nhiều.


Trở về trại giam, chị cùng phòng vẫn đợi cơm mình.
Mình và chị nói chuyện nhiều về quá khứ, về tương lai.
Chị đặt ra giả thiết, nếu có ai để máy ghi âm và máy quay phim trong phòng, hẳn họ sẽ buồn cười vì những câu chuyện của mình.
Có một điều mà chị và mình cùng nhắc lại với nhau rằng, đã vào chốn này, nếu là con người thì phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Mỗi người một hoàn cảnh. Vào chốn này mà còn ghen ghét, hiềm khích thì cuộc sống quả là địa ngục.
Thật lòng là mình rất thương chị, một gia đình yên ổn hạnh phúc bỗng chốc tuột khỏi tầm tay chị vì những tính toán sai lầm.
Chị hẹn với mình, nếu có ngày gặp lại, nhất định mình sẽ vận dụng toàn bộ kiến thức du lịch mà mình đã trải nghiệm để đưa chị đi tham quan cho sướng cuộc đời.
Mình đã hứa và nhất định là mình sẽ giữ lời.
Trong phòng giam, đêm thật dài, ngày mai là ngày hết hạn tạm giữ. Chắc hẳn họ sẽ đưa thêm một cái lệnh nào đó, chị nói rằng, hết hai lệnh tạm giữ là đến lệnh tạm giam, ngày mai mình nhất định được thả.
Mình đâu có tội gì đâu.
Mình không muốn nghĩ đến điều này, bởi mình không thích suy đoán.
Mình tập trung tinh thần vào việc tự an ủi mình học cách chấp nhận việc sẽ xảy ra.
Ngày mai, dù có thế nào đi nữa thì mình vẫn sẽ vui vẻ chấp nhận.
Và ngày mai, nhất định mình phải yêu cầu gặp gia đình để hỏi về vấn đề luật sư.
Mình sẽ phản kháng vào ngày mai.

Giờ này, ở ngoài kia, mọi người đang làm gì nhỉ??
---------------------

NGÀY J THỨ MƯỜI : 12/09/2009

Trời mờ sáng, mình không ngủ được nên dậy và bắt đầu đi lại.
Mình ngồi và bắt đầu suy ngẫm lời Chúa.
Mình cầu nguyện và tin rằng dù gánh có nặng thế nào đi nữa thì Chúa cũng sẽ không bỏ rơi mình.
Mình thấy mình tự tin đến lạ.


Trời trưa, im ắng, hôm nay ngày đầu tiên không đi cung.
Chị lại an ủi mình, rằng em sẽ được thả vì em không có tội.

Mình thấy thương chị quá, những ngày qua nếu không có chị, có lẽ sẽ rất khó khăn.
Hai chị em bắt đầu ăn trưa với nhau, mấy bạn phòng bên cũng hỏi thăm về mình.
Thật là kỳ lạ, họ không ghét mình, mà xét cho cùng thì mình cũng đâu có làm gì tội lỗi với họ.
Chị hỏi mình rằng "ra tù em có phản đối Trung Quốc" nữa không?
Mình nhắc lại rằng : em sẽ phản đối đến cùng, cả việc khai thác bauxite nữa.
Nếu nhà nước không cho phản đối thì sáng nào thức dậy em cũng sẽ nhìn vô gương để tự nhắc mình rằng em không đồng ý với điều đó.
Vậy thì em sẽ bị bắt dài dài – chị nói.
Có lẽ là như vậy thật.

Nhưng đó là số phận, nếu em không làm những chuyện đó thì em sẽ là một người khác chứ không phải là em bây giờ. Chị cũng đồng ý với mình rằng, định mệnh là thứ có thật, và không ai chạy trốn được khỏi định mệnh của mình.

Ngày hôm nay sao quá dài, mình đếm từng vạt nắng trên ô thông gió và nằm đoán giờ.
1..2..3..4..5.. không biết đến số bao nhiêu nữa thì cả mình và chị chìm vào giấc ngủ.
Bây giờ là buổi trưa hay đầu giờ chiều nhỉ?

14h20 :
Cửa mở, và có người yêu cầu mình mang đồ ra.
Hai chị em chỉ kịp ôm nhau thật chặt mà không kịp nói gì.
Chị xiết tay mình.

Ra ngoài đã có sẵn hai người đứng chờ mình, họ đợi mình làm thủ tục lấy đồ đạc và tiền ký gửi. Mình nhận lại mọi thứ mà không buồn kiểm tra.
Mình không tin là họ thả mình, lỡ họ đem mình qua chỗ khác nhốt thì sao?
Đừng vui mừng quá sớm, phải tỉnh thức.

Hai người đi xe máy chở mình về đến công an tỉnh.
Họ gọi mẹ mình đến và đưa quyết định trả tự do.
Họ nhắc nhở mình về chuyện viết lách và tham gia hội nhóm.

Mình chả thấy vui sướng hay mừng rỡ gì cả.
Mình ngạc nhiên vì lúc bị bắt mình không tin đó là sự thật và bây giờ khi được trả tự do mình cũng lại một phen ngỡ ngàng nữa.
Cứ như một trò chơi vậy đó.

Vậy là mình đã tự do sau 9 đêm 10 ngày trong tù.

Mẹ vui mừng đến chảy nước mắt.
Hai mẹ con ra về và ghé nhà thờ cầu nguyện.

Mọi người vui mừng, gia đình vui mừng, lại có người hàng xóm chảy nước mắt khi ôm lấy mình.
Họ thực sự khiến mình tin rằng mình không có tội.

Mình ôm Nấm trong lòng và cảm xúc vỡ òa.
Mình biết tình yêu mình dành cho con lớn lao lắm, chỉ có nghĩ đến con, đến tương lai của con mình mới có đủ tỉnh táo và can đảm như lúc này.
Vậy là mình đã tự do.
-----------------------------

LỜI KẾT :

Giờ đây, ngồi trước máy vi tính để gõ lại những dòng này, mình không thể nào hiểu nổi được hai chữ tự do trong "quyết định trao trả tự do" mà mình được nhận.
Tự do là quyền vi hiến của con người, đâu phải là thứ tự do được ban phát???
Tự do nếu được ban phát cho con người có khác nào thứ tự do giành cho những con chim trong lồng kiểng kia? Tự do có hạn định???
Nếu mình có tự do, tại sao mình phải ứa nước mắt, khi viết bức thư chia tay bạn bè blog?
Nếu mình có tự do lựa chọn sao mình phải bật khóc khi tuyên bố mình rút lui khỏi cuộc chơi?
Nếu mình có tự do tại sao mình lại cảm thấy uất ức và nghẹn đắng?
Thật sự là mình không hối hận bởi những gì đã trải qua, bởi mình tin đó là định mệnh của mình. Mình đã làm hết sức tại từng thời điểm, phần của mình, việc của mình, lương tâm của mình không bị cắn rứt. Hẳn mỗi người lúc sống cũng chỉ mong có thế.

Bạn bè thân mến!
Tôi đã nói, tôi không phải là một anh hùng, bởi vậy đừng ai đặt hy vọng hay kỳ vọng vào bản thân tôi quá nhiều. Chắc chắn là tôi sẽ làm mọi người thất vọng, xin thứ lỗi cho tôi về việc này.

Sau những gì đã xảy ra tôi mong rằng, mọi người nên bình tĩnh, sáng suốt và thật khách quan trước những việc làm và những hành động của người khác.
Chúng ta không phải là họ, và họ không thể nào là chúng ta, bởi thế việc nhào nặn nên một anh hùng nó sẽ chúng ta thấy nản lòng khi người được tuyên xưng không đáp ứng kỳ vọng.
Những người dám nói và dám làm theo lương tâm mình, hẳn sẽ không bao giờ trông đợi hay cầu cạnh bất kỳ một danh xưng ảo nào.
Tôi hy vọng mọi người hiểu điều đó.

Sau những gì đã xảy ra, tôi thực sự tự hào rằng mình đã có những người bạn hay nói đúng hơn là những người anh, người chị thật sự tuyệt vời trong thế giới ảo này. Và tôi muốn cám ơn họ vì những nổ lực, những cố gắng, những chia sẻ ân tình mà mọi người đã dành cho tôi, cho gia đình tôi trong những ngày biến cố đó.
Những người bạn thật sự của tôi, là những người hiểu rằng đâu là cách bày tỏ sự đồng cảm với tôi lớn lao nhất mà không cần phải sử dụng đến ngôn từ hay danh xưng nào.
Tôi đã đi, đã gặp và đã kết bạn với những người như thế.
Xin được cám ơn và cầu chúc những điều tốt đẹp đến với mọi người.

Lời cuối cùng tôi muốn nhắn gửi đến mọi người thông qua nhật ký của chuỗi ngày J này chính là nguyên nhân thôi thúc tôi ghi lại những gì đã xảy ra. Không phải để lấy điểm hay lập công như nhiều người đã và đang “truy tặng” tôi. Động cơ nếu có của tôi, đó là quyền được suy nghĩ và bày tỏ suy nghĩ của mình thông qua con chữ.

Những gì đã xảy ra là do tôi đã suy nghĩ, đã hành động. Tôi không hề trách móc hay đổ lỗi cho bất kỳ ai trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhưng tôi coi thường và nhổ toẹt vào những người đang nhân danh nghề nghiệp của mình để làm phiền bạn bè tôi, làm phiền những người thương yêu tôi.

Tôi cũng biết mình hoàn toàn mất tự do khi các phương tiện liên lạc cá nhân đều bị đặt dưới sự kiểm soát vô hình.
Tôi biết mình hoàn toàn không được tôn trọng khi không được bảo đảm thông tin cá nhân khi ký kết bất kỳ hợp đồng nào với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ngân hàng… Đó là sự thật ở một nơi đầy chính nghĩa sáng ngời như nơi tôi đang sống.

Mới đây, bạn tôi đã từng trách khéo tôi rằng “ Vì những người ham viết như mầy, mà tao bị chặn Facebook”.
Tôi viết tiếp để bạn tôi biết rằng : Chúng ta có quyền đòi hỏi tự do cho mình, thay vì loay hoay đi tìm người ban phát tự do.
Thay vì trách cứ tôi, lẽ ra bạn phải tự hỏi, tại sao họ lại lấy đi quyền tự do của bạn?
Tôi – và những người như tôi không có lỗi. Điểm khác biệt lớn nhất giữa tôi và bạn đó là sự tự do trong suy nghĩ độc lập.
Tôi viết để chính bản thân tôi biết rằng : mình vẫn sống và đang trưởng thành.
Mẹ Nấm




NHỮNG NGÀY J YÊU DẤU (tt)


NGÀY J THỨ TƯ : 06/09/2009

7h30 :
Mình lại đi ra ngoài trại giam.
Họ lại nói với mình về việc gia đình trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài.

Mình thật sự mệt mỏi bởi mình không hề biết đến những việc này.

Họ nói mẹ mình đã khóc lóc van xin tha thiết.

Có gì lạ đâu?? Mẹ mình chỉ có một mình mình, và mình là đứa cháu được cả nhà thương yêu. Sao họ không thử đặt họ vào hoàn cảnh của mẹ hay những người khác trong gia đình mình nhỉ?
Nếu là họ, họ chịu ngồi im sao??

Họ yêu cầu mình log in vào blog.
Họ bảo : nếu mình không đưa password thì họ có cả một bộ phận để tìm ra pass, nhưng nếu mình tự nguyện đưa thì họ sẽ ghi nhận là mình hợp tác tốt.
Mình thấy pass của blog chẳng có gì là quan trọng, thậm chí cả pass email cũng thế, bởi không có pass, thì mình cũng đã bị bắt, đằng nào chả vậy?
Lập cập mãi mà họ chẳng log in vào multiply của mình được.
Họ sử dụng đường truyền ADSL của VNPT, các trang vượt tường lửa cũng chậm rì, và họ bắt mình ngồi đợi.
Mình chỉ cho họ cách dùng Ultralsurf để vào cho lẹ.

Vào blog mình, họ không tìm được những thứ họ cần. Có một người bạn nhảy vào phần instant message của multiply để chat với mình.
Họ hỏi mình cách mình thường chat, sau vài câu, tự dưng bạn kia im lặng, thế là họ cho rằng mình đã làm ám hiệu với bạn kia. Khổ thật, mình không nghĩ là họ lại có thể vẽ ra nhiều ma đến vậy.
Niềm vui hiếm hoi trong ngày hôm nay khi tranh thủ liếc tin trong phần Inbox của blog là mình biết anh G. đã được thả.

Họ không cho mình đọc cụ thể tin này, nhưng với mình thế là đủ, bạn bè mình được tự do, niềm vui này cứ như một cơn gió thổi mát tâm trí mình. Ít nhất thì mình cũng tin rằng, anh G. cũng như mình, không ai có tội.

Sau khi ăn trưa, họ tiếp tục nói chuyện với mình.
Họ tái khẳng định là mình bị dụ dỗ, lôi kéo, bởi mình đã bày tỏ tâm tư và những bức xúc của mình, của gia đình, của những người mình biết, mình chứng kiến lên blog.

Họ cho rằng, mình không đánh giá, không lường hết được âm mưu sâu xa của nhóm Người Việt Yêu Nước khi phát triển kế hoạch in áo, phân phát áo và mặc áo.

Họ cho rằng việc mình in áo chỉ là bước đầu. Từ 100 áo sẽ in thành 1000, hay 10000 áo, sẽ phân phát khắp các tỉnh thành, và đến một giờ G nào đó thì tất cả sẽ cùng mặc áo.
Kế hoạch vĩ mô thật.

Họ đánh giá hành động này như một việc biểu tình, và sẽ khiến đất nước bị lộn xộn.
Cho đến giờ phút này vẫn chưa ai giải thích được cho mình vì sao chỉ có mặc áo mà đất nước lộn xộn.
Quả thật là khó hiểu.

Họ nói rằng thế lực thù địch đang lợi dụng những vấn đề nhạy cảm của đất nước để lôi kéo những người như mình rơi vào kế hoạch, âm mưu chính trị của họ.

Họ cho rằng mình dại dột và liều lĩnh khi vượt quá tầm kiểm soát của việc ký thỉnh nguyện thư.
Bao nhiêu người ký tên sao không có ai dại dột như mình??

Giải thích làm sao bây giờ?
Mình không là những người khác, và người khác càng không thể là mình. Những gì mình làm xuất phát từ suy nghĩ, và chỉ có thế.
Và mình cảm thấy hơi buồn cười vì họ cho rằng mình có động cơ chính trị hay những gì đại loại tương tự như thế.
Sao lúc nào cũng phải đi đến một kết luận liên quan đến chính trị thì mới làm hài lòng tất cả thế nhỉ???

Trái tim và chí khí của mình, nó không được phép lên tiếng hay sao???

15h00
Họ đưa cho mình một tờ giấy trên đó có dòng chữ : Quyết định gia hạn tạm giữ (từ 15h ngày 06/09/2009 đến 15h ngày 9/09/2009).
Vậy là mình chắc chắn sẽ ở tù thêm ba ngày nữa

Mình đón nhận tin này thật bình thản bởi mình không hề trông đợi hay hy vọng chuyện tốt đẹp hơn sẽ xảy ra.
Về lại trại giam, vẫn không có cháo, và mình dặn chị cùng phòng là đừng yêu cầu cháo cho mình nữa, bởi họ sẽ không nấu cháo như đã hứa.
Trời mưa, lạnh, mình không có chăn màn, và chị cùng phòng đã cho mình đắp chung mền.
Ngủ chập chờn bởi quá nhiều muỗi.

Mình nằm và suy nghĩ về những gì đã xảy ra trong ngày hôm nay.
Mình không biết mình đã đúng hay sai khi chọn cách im lặng không đối kháng.
Mình chưa bao giờ trải qua cái cảm giác này, cô đơn và mệt mỏi.

Từ ngày đầu bị bắt đến giờ, mình chưa bao giờ thấy hối hận vì đã in áo và mặc áo.

Mình hối hận vì mình không cẩn thận, làm liên lụy bao nhiêu người.
Hối hận vì mình cứ nghĩ là những việc mình làm đơn giản, không có tội, là cách thức bày tỏ ý chí và nguyện vọng của mình với đất nước.

Mình hối hận vì mình không nghiên cứu luật thật cẩn thận, hối hận vì đã suy nghĩ thật đơn giản.
Nếu người ta muốn bắt mình, hẳn họ sẽ không bao giờ tin mọi chuyện đơn giản như vậy.
Phải có âm mưu, có thế lực thù địch lôi kéo thì mới thành câu chuyện, nếu mình không đi theo hướng này, không biết bao giờ câu chuyện mới chấm dứt.
Thật sự lúc trở về phòng giam là lúc mình mệt mỏi nhất bởi ở đó mình vừa phải cảnh giác, lại vừa muốn buông xuôi để đối diện với bản thân mình.

Ngày thứ tư mình xa gia đình. Ngày thật dài.
------------------------

NGÀY J THỨ NĂM : 07/09/2009

7h sáng:
Có một em trai là tù tự giác vào đưa phiếu thăm nuôi cho mình.
Vậy là chị cùng phòng với mình đã nói đúng, thứ Hai họ sẽ cho người nhà gửi đồ cho mình.

Mẹ gửi cho mình tiền, quần áo và đồ ăn.
Họ chỉ cho đem đồ ăn vô phòng còn tất cả gửi lại.
Mẹ có viết rằng mẹ yêu mình, mọi người tin mình.
Vậy là đủ. Mình cất được phần nào gánh nặng đang đè trong người mình.

Mình thấy rất bực bội vì tính đến hôm nay họ chỉ cho phép mình đem vào một bồ đồ duy nhất, và nó đang bốc mùi. Hôm kia và hôm qua mình đã xin thêm một bộ quần áo nữa, nhưng họ chưa cho.

Nếu có ai hỏi mình ở tù thế nào, có lẽ mình sẽ nói là không thấy khổ.
Bởi nổi đau khổ lớn nhất là mất tự do đã phải gánh chịu, thì làm gì có sự đau khổ nào có thể lớn lao hơn nữa?

Thức ăn trong tù rất tệ, có lẽ nhờ vậy mình giảm cân nhanh, quần Jean đã rộng thấy rõ.
Mình không kịp nhận đồ gửi vào vì họ bảo mình phải ra ngoài công an tỉnh.

8h sáng :
Mình lại "đi cung".
Lần này liên quan đến vịêc gia đình, họ muốn mình trình bày nguyên nhân từ những bài viết về Câu lạc bộ Thanh niên Vĩnh Hải trên blog - mối dây có thật liên kết mình và thế giới thông tin lề trái.

Mình không có hứng thú mấy, bởi họ nói sẽ đề đạt và xem xét chuyện gia đình mình. Lại thêm một lời hứa nữa trong muôn ngàn lời hứa.
Họ nói với mình rằng : sai phạm ở đâu sẽ sửa đổi ở đó, vấn đề là thời gian. Nói vậy thì có khác gì đâu, ai sai người đó sửa, đâu có một cơ quan hay đại diện nào chịu trách nhiệm thanh tra thật rốt ráo đâu? Nếu không có kỷ cương hay chế tài thì làm sao giải quyết được sai phạm?
Họ đổ lỗi cho những người dân oan bị lôi kéo, bị lợi dụng, nhưng họ có chịu bỏ thời gian ra để lắng nghe, để tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của những người đó không?

Một gia đình đang yên ấm, có nhà cửa, có công ăn việc làm nay phải nai lưng ra thuê lại chính nền nhà của mình để giữ xe kiếm sống? Cuộc sống, tương lai, ước mơ, hoài bão của những người trong gia đình đó sẽ đi đâu, về đâu?
Nhà nước, đảng, chính phủ có sống thử một ngày cuộc sống của họ chưa?
Ai sẽ chịu trách nhiệm và trả lại quãng thời gian chờ đợi công lý được thực thi cho họ???

Tất cả những giải thích lòng vòng và ngụy biện của họ không thể phỉnh phờ được mình hơn nữa.
Nếu họ muốn nghe, thì mình nói lại thêm lần nữa.
Nếu họ muốn coi đó là lý do mà mình bị lôi kéo dẫn dụ thì mình cũng chịu. Ít nhất, họ phải biết rằng, có những sai phạm của những người nắm quyền không bao giờ có thể sửa chữa được, nhất là khi những người đó không biết học cách lắng nghe và không có trái tim.

Lại nói đến việc ký thỉnh nguyện thư kêu gọi dừng dự án khai thác bauxite, họ nói rằng bao nhiêu người tham gia ký tên có ai hành động giống mình đâu?
Họ quên rằng, không một con người nào giống con người nào. Mỗi người sẽ có con đường và hành động khác nhau khi thấy yêu cầu của mình không được đáp ứng. Họ nói : mình thật là dại dột. Ừ, mình chịu, mình cũng nghĩ như thế. Con người khác con vật ở chỗ có suy nghĩ và có ước mơ. Minh chấp nhận dại dột để được khác con vật. Mình xác định rằng, những việc mình đã làm mình phải chịu trách nhiệm, không được để ảnh hưởng đến bất kỳ người nào nữa.

Nếu thật sự họ đang cố giúp mình thay vì kết tội mình như họ nói thì mình có đáng phải bị đối xử thế này không?
Nếu họ thật sự nghĩ về đất nước như mình, tại sao họ không chịu nhìn vào lý do sâu xa của những chữ đã in trên áo??
Nếu thực sự có thế lực thù địch đằng sau mình, lẽ ra họ nên cám ơn thế lực đó, đã giúp mình sống có trách nhiệm và quan tâm đến các vấn đề xã hội hơn mới phải.
Lẽ nào con người chỉ sống để làm và để ăn??
Một ngày "đi cung" ở công an tỉnh trôi qua thật nhanh, mình mệt mỏi vì phải di chuyển.

16h00 :
Trở về phòng giam, mình ăn được một chén cơm vì có đồ ăn của gia đình gửi vào.
Sự thật không thể chối cãi là mình luôn tìm cách xóa nhòa hình ảnh của Nấm, của gia đình ra khỏi đầu mình trước mỗi giấc ngủ.

Mình muốn mình thật tỉnh táo khi họ buộc mình phải lựa chọn.

Họ luôn nhắc đến chồng mình, như một lời cảnh tỉnh, hạnh phúc của mình là chồng mình, và mình đang không biết cách nắm giữ hạnh phúc đó.

Có một điều tra viên đã hỏi mình "liệu có phải là mình có bồ không?" - Chả hiểu anh ta hỏi để làm gì, nhưng đó là một câu hỏi riêng tư và là một câu hỏi tế nhị. Người lịch sự sẽ chẳng bao giờ hỏi nhau câu này, huống chi mình và anh ta chẳng phải là bạn bè thân thiết. An ninh quốc gia liên quan đến cả tình yêu???

Mình và chồng mình là hai con người, hai thế giới khác biệt. Điều đó đâu có nghĩa là giữa hai người không có mối dây liên kết? Tình yêu thật sự là thứ tình cảm xuất phát từ trái tim, nếu phải làm phép so sánh, lựa chọn và gạn lọc trong tình yêu thì nó không còn là tình yêu nữa.

Chồng mình tốt, mình biết. Và nếu họ cũng biết thế thì lẽ ra họ không nên lôi cả lãnh đạo chỗ chồng mình làm vào.
Mình muốn bỏ tất cả những thứ này ra khỏi đầu mình.
Đêm thứ năm trong trại giam mình không ngủ được.
-------------------------------

NGÀY J THỨ SÁU : 8/09/2009

5h sáng:

Mình không tài nào ngủ được, mình thật sự không hiểu nổi, tại sao họ lại bắt mình?

Vì mình bị lôi kéo, bị dụ dỗ nên mình phải trả giá?

Hay vì họ nghĩ mình biết nhiều hơn họ tưởng?

Mình đoán rằng, ngoài kia, bạn bè mình không ai tin được rằng mình bị bắt.

Mình đã quá mệt mỏi vì việc phải di chuyển, và vì không có quần áo sạch để thay.

8h:

Lại "đi cung", nhưng lần này ở lại trại tạm giam.

Trong các bản tường trình hôm qua và hôm nay, họ đề nghị mình dừng viết blog mẹ Nấm, không nói xấu chủ trương và chính sách của đảng, không đả kích các cơ quan an ninh nữa. (Sự thật thì mình cảm thấy mình cũng lỡ lời trong một entry. Mình đã xin lỗi họ bằng văn bản về việc này)

Mình thật sự không ngờ là họ bảo mình dừng sử dụng blog mẹ Nấm, lại càng không ngờ hơn nữa khi sau này được biết, họ cũng đề nghị chồng mình viết cam kết đảm bảo rằng mình không viết blog y như mình.

11h30 : Ăn trưa, cơm thật khó nuốt, mình cố gắng ăn vì chị cùng phòng đã bảo, muốn ra ngoài thì phải đủ sức khỏe. Phải cố thôi.

2h : Lại làm việc tiếp, nội dung lần này lại xoay quanh chiếc áo thun trắng cổ xanh, phía trước có dòng chữ "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" (Lê Dũng - người phát ngôn của bộ ngoại giao Việt Nam) bằng tiếng Anh. Sau lưng có dòng chữ mà mình rất thích : 2009 Invaded Vietnam Islands - Kill Vietnamese Fishermen / Shame on you - BEIJING - Shame on you. Cái áo này mình nhận được sau khi thấy ảnh anh G. đăng trên blog. Họ thu được cái áo này trong nhà riêng của mình. Mình rất thích và đã mặc cái áo này khá nhiều lần.

Họ nói họ thích cái áo đó, và nếu mình chưa mặc thì họ sẽ mặc.

Thật là ngụy biện, nếu cái áo đó không có tội, tại sao họ liên tục chất vấn mình nãy giờ về nó.

Và nếu thực sự họ muốn thế giới biết đến sự bành trướng xâm lược của Trung Quốc tại sao họ lại tịch thu cái áo đó của mình?? Nó có liên quan gì đến bauxite đâu? Có liên quan gì đến an ninh quốc gia đâu? Sao họ bắt mình chính tay viết lên đó??

Mình thảng thốt nhận ra rằng, họ đang triệt tiêu tinh thần phản kháng của mình.

Họ muốn người nhà mình nhận ra rằng, những hành động như mặc áo phản đối của mình là rắc rối, là có tội.

Thật là ngụy biện khi họ nói với mình rằng chính phủ đang ngày đêm khéo léo trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc để đấu tranh giành chủ quyền biển đảo.

Lẽ ra họ phải ủng hộ, khuyến khích phong trào mặc áo vì Hoàng Sa - Trường Sa của mình chứ???

Họ hỏi mình về mối quan hệ với anh G., họ hỏi mình tại sao lại chơi với anh G.? Tại sao phải giải thích về mối quan hệ giữa các bà mẹ hay các ông bố với nhau?

Tại sao lại làm phép so sánh?

Nếu một người phạm tội trong quá khứ, thì cả cuộc đời của họ bị xem là tội phạm hay sao?

Họ không thể làm người bình thường hay sao?

Mình đã nói : mình chơi với một người, chỉ cần người đó tốt với mình, không cần quan tâm đến những người xung quanh. Ngay cả khi người đó là người xấu, nếu họ không làm gì phương hại đến mình thì mình cũng chẳng có lý do gì để ghét bỏ họ.

Có người nói : Mình thật là cứng đầu.

Cái này hình như đúng, mình thuộc cung Cự Giải (Cancer) – cung con Cua mà.

Trời mưa, không khí ẩm ướt thật khó chịu.

Buổi tối muỗi ở đâu mà nhiều quá. Hai chị em thay nhau đập muỗi liên tục.

Mình nói chuyện với chị ở cùng phòng về những chuyện đã qua của chị và của mình.

Chị nói rằng : sai lầm của chị là vì sĩ diện, vì sợ làm mất mặt chồng con…

Hình như phụ nữ Việt Nam người nào cũng vậy, luôn nghĩ đến mặt mũi của chồng con trước khi nghĩ đến mình.

Vài chục năm nữa, bằng tuổi chị, chắc mình cũng vậy quá.

Ngày thứ sáu trong trại giam, mình thấm thía được giá trị của những buổi tối ở nhà, có chồng, có con.

Lại một ngày nữa trôi qua.

------------------


NHỮNG NGÀY J YÊU DẤU

NGÀY J THỨ NHẤT: 3/09/2009

4h sáng
Thế là trời sáng, mình đã chợp mắt được khoảng 10 phút sau khi gục xuống bàn vì chịu không nổi. Mình được đề nghị là ra sân để đi loanh quanh một vòng cho tỉnh ngủ. có lẽ người làm việc với mình cũng không tỉnh táo hơn mình là mấy.
Mình cảm thấy đau nhói ở dạ dày, vậy là nó đã quay trở lại, bệnh đau bao tử, sau một đêm thức trắng.


6h30
Có người hỏi mình muốn ăn gì, mình đang đau, có lẽ bánh mì mềm và sữa nóng là thích hợp.
Mình không đói, chỉ thấy bụng đau nhói, mình sắp không chịu được nữa rồi thì phải.
Có một cuộc điện thoại, họ hỏi mình ai là người gọi, làm sao mà mình biết được? Có vẻ họ lúng túng vì không biết xử lý tình huống này thế nào thì phải? Họ hỏi mình, mình sẽ nói gì khi mình nghe điện thoại? Mình hỏi lại: “Vậy anh muốn em nói gì??”
Không biết giờ này có ai biết mình bị bắt chưa nhỉ?
Lại có điện thoại và cả tin nhắn nữa, họ lại đang bàn bạc về việc liệu có để mình nghe điện thoại hay không.
Sau này, khi được nhận lại điện thoại, mình phát hiện ra rằng, tất cả các tin nhắn và các cuộc gọi trong ngày 3 tháng 9 đều đã bị xóa sạch.
Thật là sáng ngời chính nghĩa.

7h30
Mình chịu không nổi những cơn đau này, đề nghị được nhai Malox để giảm đau và để tỉnh táo, có vẻ họ không tin là mình bị đau thì phải?
Kệ, mình đau và mình chỉ cần biết có thế.
Ăn sáng, nhai thuốc và ngồi đợi, mình nằm ngủ ngay trên ghế trong phòng vì không chịu nổi.
Có nhiều người đi ra, đi vô phòng, những người trẻ nhìn mình ái ngại.
Mệt và đau, mình chẳng cần quan tâm nữa.
Sự thật là mình vẫn không thể tin được là mình đã bị bắt.

10h30
Một phụ nữ trung niên và một người nữ trẻ hơn đến đưa mình sang khu trạm xá của công an để khám vì mình chịu không nổi.
Trên đường đi họ hỏi có phải mình đang mang thai hay không? Mệt đến nỗi không muốn trả lời..
Bác sĩ nhấn vào xung quanh bụng mình và hỏi tiền sử bệnh đau dạ dày.
Kết luận: có triệu chứng đau, nhưng chưa thấy dấu hiệu đau.
Mình muốn chửi thề quá đi mất bởi cái kiểu khám bệnh lạ đời này.
Đau dạ dày mà khám bằng tay và siêu âm.
Trở về khu vực công an tỉnh, mình đã bớt đau nhờ nhai 4 viên Malox.
Nhiều người bắt đầu tham gia thẩm vấn mình. Họ nói với mình đây không phải là thẩm vấn, vì họ tôn trọng mình.
Ừ, sao cũng được, một mình phải đối diện với rất nhiều câu hỏi của hai, ba người.
Họ muốn tranh luận một cách khoa học, nhưng hễ mình bắt đầu tranh luận là bị cắt ngang vì không đủ thời gian, và không phải lúc.
Ngộ nghĩnh thiệt.

Đến giờ ăn trưa, họ mua cơm hộp cho mình. Mình nghĩ là phải cố ăn một chút để lấy sức, nhưng sự thật là mình đang rất đau nên việc ăn uống giống như một gánh nặng. Tính ra từ sáng đến giờ, có khoảng 5 người đã tra hỏi mình, mình đã nhận đó là ý tưởng in áo và mặc áo thun phản đối dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên là của mình và mình phụ trách việc thực hiện ý tưởng đó.

Họ nói với mình rằng, việc khai thác bauxite là một chủ trương lớn và đúng đắn của đảng, chỉ riêng việc mình phản đối dự án đó và kêu gọi mọi người cùng phản đối là đã đủ kết tội mình vi phạm lợi ích quốc gia rồi. Họ nói, đảng và chính phủ cân nhắc từng phần của dự án, lợi ích của quốc gia được tính đến ở đây là của nhiều người chứ không phải một nhóm người. Ảnh hưởng đến nguồn nước, đến môi trường đó là phạm tù khoa học, hãy để các nhà khoa học chứng mình. Mình đã đưa dẫn chứng từ những lời cảnh tỉnh của các khoa học gia có uy tín, từ những bài viết trên mạng. Họ nói rằng, mình đã không biết cách chắt lọc thông tin, hay nói một cách văn vẻ là mình bị ngộ chữ.

Mình đang nghĩ, thông tin trên mạng thì đầy, người đọc và nhận định thông tin đó theo hướng như thế nào là tùy thuộc vào trình độ và tự do suy nghĩ của người đó.

Họ không thể là mình, và mình càng không thể là họ. Mình không kêu gọi họ suy nghĩ theo hướng của mình, vậy tại sao họ lại buộc mình phải nghĩ những gì họ nghĩ?

Đó không phải là tự do.

Một con người không thể tự do suy nghĩ và hành động theo ý tưởng của mình được hay sao?

Tại sao cứ nhất định phải có người chắt lọc thông tin và dẫn dắt đầu óc của mình??

Quan điểm về tự do của họ quả thật khác xa với mình, vậy có nên tiếp tục tranh luận hay không??

Mình đang mất tự do, và mình đang cân nhắc đến việc tranh luận về tự do với chính những người cho rằng họ có quyền quyết định tự do của nhiều người khác. Có phải là nực cười quá hay không???

14h00
Họ giải thích việc mình tham gia nhóm Người Việt Yêu Nước là sai trái sau khi trưng ra một số bằng chứng như anh A đã khai thế này, anh B đã khai thế kia.
Họ yêu cầu mình hợp tác, và họ nói rằng, nếu mình chối đây đẩy những việc đó thì mình thật là hèn nhát.
Mình cũng nghĩ mình phải chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm. Sự thật là mình có in áo, có phát áo và cũng có mặc áo. Hình ảnh cái lưng của mình đã được đưa lên Internet, mình không chối điều này, nếu mình chối, tự mình cũng cảm thấy mình thật là hèn.
Đây là lúc mình phải chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm. Mình quyết định sẽ giao nộp tiền quỹ in áo mà mình giữ.
Họ đề nghị gia đình đến gặp.
Mình đã được nhìn thấy mẹ, và mình đã chịu không nổi khi mẹ khóc. Chút cứng cỏi và lạnh lùng còn sót lại đã rơi đâu mất, mình thấy thật yếu đuối khi đứng trước mặt mẹ mình, cảm giác có lỗi với gia đình dâng lên khiến mình nghẹn lời.
Mẹ về. Họ làm việc với mình thêm một lúc nữa, rồi đưa ra quyết định tạm giữ 3 ngày. Cầm tờ quyết định trên tay, mình không thể tin được là mình chính thức bị vướng vào vòng tù tội.
Sáng giờ họ nói mãi với mình, tội của mình không nặng, chỉ cần mình hợp tác thì họ sẽ thả mình ra ngay. Mình không tin tưởng vào những gì họ nói, nhưng mình cũng đã hy vọng rằng, ít nhất với những việc mình làm không phương hại đến họ, và lương tâm của họ cũng sẽ cảm thấy là mình không có tội.
Mình đã lầm.
Họ nói mình không cần mang theo chăn màn vì ở trong trại tạm giữ có đầy đủ, và mình có mang theo tiền nên sẽ mua ở đó những gì cần thiết.

15h40
Xe đưa mình đến trại tạm giam công an tỉnh Khánh Hòa.
Mệt, đói và buồn ngủ khiến mình không còn tỉnh táo nữa.

16h20
Trại tạm giam - nhiều ánh mắt nhìn mình dò xét. Nhiều người chép miệng, tắc lưỡi khi nghe đến tội danh "xâm phạm lợi ích quốc gia” của mình.
Mặc kệ, mình đã quá mệt mỏi.
Trại tạm giam - nơi mà phẩm giá của con người là món hàng xa xỉ, không cần biết đã bị kết án hay chưa, khi bước chân vào trại thì những ứng xử của người với người sẽ không tuân theo quy tắc, chuẩn mực. Lịch sự, tôn trọng - hai từ này có lẽ sẽ không bao giờ xuất hiện trong từ điển của những người nơi đây. Giờ thì mình lờ mờ hiểu ra, vì sao những người phạm nhân khó có thể tái hòa nhập với cộng đồng, họ không chịu nổi và sẽ bị thay đổi hay mài mòn bởi ánh nhìn dè bỉu, thái độ khinh khi ngay những ngày còn ở trong tù.

Sau khi kiểm tra, lục soát đồ đạc, người ta cho phép mình mang theo bàn chải và một cái khăn mặt. Mình đi chân không vào phòng tạm giữ.

Một căn phòng khoảng 12m2, có một người ở trong đó, mình là người thứ hai.

Mệt mỏi và đói khát, mình ngủ ngay sau khi chào hỏi chị ở chung phòng.

Đêm đầu tiên trong tù đã trôi qua trong giấc ngủ không mộng mị.
--------------
NGÀY J THỨ HAI : 4/09/2009

Không biết là mấy giờ, mình đoán có lẽ khoảng 5-6 giờ sáng bởi nhìn theo ánh mặt trời hắt qua ô thông gió phía trên buồng giam.
Mình nằm nghĩ và vẫn không thể tin được là mình đang ở trong tù.
Mình không muốn suy đoán gì trong lúc này, bởi mình không thể biết chuyện gì sẽ sẽ xảy ra và mình tự nhủ, mình sẽ chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm. Mình không làm phương hại đến ai, không làm gì sai trái với lương tâm. Mình không có tội, mình phải bám lấy cái suy nghĩ này.

7h20
Có người đến gọi tên mình và bảo mình chuẩn bị "đi cung". Đây là một từ ngữ mới, đi cung, tức là đi ra ngoài làm việc với cơ quan an ninh điều tra. Có lẽ qua đợt này, vốn từ ngữ của mình sẽ trở nên phong phú hơn bởi một số từ “chỉ ở trong tù” mới có.
Ánh sáng chói chang và không khí thật trong lành, mình cảm nhận được điều này rõ ràng và gần gũi hơn bao giờ hết.
Có hai người đợi mình sẵn ở phòng trên lầu, lại tiếp tục làm việc.
Họ giải thích với mình rằng mình đã sai khi tham gia nhóm Người Việt Yêu Nước, điều này không được phép. Chưa kể đến việc mình in ấn và phân phát áo thun, đó là sai luật quảng cáo và tuyên truyền.
Họ đã nói với mình "Nếu có thành lập một chính phủ mới, thì những người như mình chắc chắn là sẽ không có chân trong đó". Cha mẹ ơi, mình không biết phải trả lời sao ngoài một nụ cười. Bởi những điều họ nói nó khiến mình nghĩ đến giọng văn trào phúng của Azít Nêxin quá.
Mình đang sống, đang thở và mình yêu bầu không khí đó. Mình muốn nó xanh tươi và đẹp đẽ, mình muốn con mình và thế hệ sau mình cũng như thế, nên mình phản đối dự án khai thác bauxite, chứ nó liên quan gì đến chính phủ mới nhỉ? Họ đang đề cao hay cười nhạo mình vậy ta???
Phản đối việc khai thác bauxite thì liên quan gì đến Hoàng Sa - Trường Sa?
Mình phải giải thích cho họ bao nhiêu lần nữa là tất cả có liên quan đến nhau bởi yếu tố NO CHINA nhỉ??
No China không có nghĩa là bài Hoa, nó là tiếng nói của những người Việt không cam chịu làm nô lệ. Ai cũng thấy Trung Quốc nó thâm hiểm, nó tàn ác, vậy tại sao mình không được quyền công khai ghét bỏ nó??
Khôn ngoan và khéo léo trong ngoại giao như họ nói, với mình, điều đó không đồng nghĩa với việc im lặng và cúi đầu trước sự ngang ngược.
Mình bắt đầu thấy mệt mỏi, bởi trong các cuộc tranh luận, mình luôn luôn bị cắt ngang bởi những lý do đại loại như : chúng ta sẽ bàn đến vấn đề này vào một dịp khác, chúng ta không có thời gian....
Thật sự, bây giờ đây, mình ngồi đây và vẫn không thể nào tìm ra được câu trả lời cho việc họ cho rằng mình đã bị lôi kéo, lợi dụng.
Bởi thật sự nếu có một thế lực thù địch nào đó, hẳn nhà nước phải cám ơn họ vì đã để mình và nhiều người trẻ khác thức tỉnh với lòng yêu nước và sự quan tâm đối với môi trường xung quanh mình.
Tất cả sự vật đều có sự liên quan đến nhau không nhiều thì ít, vậy tại sao họ lại đang cố tách rời nó và buộc mình cũng phải nghĩ như họ.

11h30 :
Bụng đau nhói, mình nhớ ra là từ tối qua đến giờ mình chưa ăn gì. Mình yêu cầu được ăn cháo, nhưng không có, bởi đã quá giờ yêu cầu thức ăn trong trại tạm giam.
Họ hẹn mình buổi chiều sẽ có cháo.

12h00 :
Về phòng giam, mình cố ngủ sau khi trao đổi với chị ở cùng phòng. Chị ấy động viên mình rất nhiều, và chị rất ngạc nhiên với tội danh "xâm phạm an ninh quốc gia" hay nói theo ngôn ngữ của chị ấy là tội "chống Trung Quốc" của mình. Chị nói, ở trại tạm giam này không án kinh tế thì là án ma túy, hay án trộm cắp, tội của mình chắc mới có lần đầu quá.
Mình nghĩ, đây là phản ứng của rất nhiều người mà mình gặp. Gánh nặng cơm áo gạo tiền hằng ngày là những nỗi lo trước mắt khiến con người ta quên đi quyền tự do, quyền đòi hỏi của mình.
Tại sao mình phải trả tiền để mua sắm những thứ hàng hóa độc hại từ Trung Quốc? Ngoài lòng tham của những người kinh doanh, còn phải tính đến trách nhiệm của những người cho phép nhập khẩu các loại hàng trôi nổi vào Việt Nam nữa.
Người Việt mình quả thật là hiền, họ chấp nhận cuộc sống như nó đang diễn ra mà không bao giờ tự đặt ra câu hỏi vì sao?? Có phải vậy không??
Có lẽ, lý do này chỉ có vai trò khoảng 50%, phần còn lại là do thiếu kiến thức, thiếu thông tin, bị đè nén và kìm kẹp nên đâm ra chấp nhận.
Có phải vậy không???
Tự nhiên mình có cảm giác không nên phung phí niềm tin của mình ở chốn này. Quan điểm của mình trước giờ là hãy sống và tin tưởng, bởi nếu không có lòng tin, cuộc đời sẽ toàn gam màu tối. Nhưng lần này thì khác, mình có cảm giác phải cẩn thận và đề phòng với người bên cạnh.
Quả thật, có ở trong tù mới biết, không chỉ có khảo cung, ép cung, mà những hình thức mớm cung, dụ cung và dọa cung còn ghê gớm hơn nhiều.
Họ tách bạn ra khỏi gia đình, và lâu lâu lại nhắc về tổ ấm của bạn như một sự cảm thông, chia sẻ.
Họ động viên bạn “thành khẩn, hợp tác” để nhanh chóng được trở về với gia đình.
Lúc này, bạn dễ dàng quên mất là mình không có tội, bởi chưa bị kết án.
Bạn đang cô đơn và hoảng loạn bởi sự thay đổi môi trường sống quá đột ngột, bạn cần được cảm thông.
Tất cả - đó là những cái bẫy.
Mình bây giờ giống như một người đang lạc giữa một rừng bẫy, nếu không cẩn thận, bẫy sập, không ít thì nhiều mình cũng sẽ bị thương.

1h30 :
Lại làm việc, lại xoay quanh vấn đề hội nhóm và động cơ của mình.
Mình đã nói : những gì mình làm là hoàn toàn không vụ lợi. Họ không tin mình đâu, bởi theo lời họ, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức những người có sự nghiệp, học vấn, tiếng tăm đều bị danh vọng và quyền lực dẫn đường và thôi thúc. Họ cho rằng mình cũng như vậy thôi.
Tại sao họ luôn thăm dò nhận định của mình về những người này nhỉ?
Mình và những người này có duy nhất một điểm chung là đang phải trả giá cho sự ngây thơ và tin tưởng vào động cơ trong sáng của lương tâm mình.
Nếu gặp ai họ cũng hỏi về những người như Định, như Trung, phải chăng họ sợ sức mạnh của sự ảnh hưởng tinh thần từ những người này không??
Hết một buổi chiều, mình đã trải qua ngày thứ hai xa gia đình.

16h00 :
Trong phòng giam, vẫn không có cháo, mình chỉ ăn được một muỗng cơm rồi thôi. Mình trao đổi với chị cùng phòng về cuộc sống, về ước mơ, về ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
Hôm nay mình nghiệm ra rằng, cuộc sống là nhiều gánh nặng, hay nói một cách khác, cuộc sống có rất nhiều thập giá
Chẳng hiểu chị có nghĩ được những gì mình nghĩ hay không, nhưng chị rất nhẹ nhàng với mình. Điều này làm mình giảm bớt lo lắng và thoải mái hơn.
Đêm ở trại giam thật yên tĩnh, không biết giờ này ở nhà Nấm làm gì nhỉ? Mọi người chắc là đang lo lắng và hốc hác đi vì mình.
Không dám nghĩ tiếp nữa.
Mình bắt đầu cầu nguyện, xin được bình an và tín thác mọi việc vào tay Chúa.
---------------
NGÀY J THỨ BA : 05/09/2009

7h30 :
Hôm nay, nếu mình nhớ không lầm là ngày khai giảng. Ở ngoài giờ này mọi người đang làm gì nhỉ? Mấy đứa nhỏ chắc là xúng xỉnh chuẩn bị quần áo đến trường. Mình không muốn nghĩ đến những điều này, phải thật tập trung và tỉnh táo. Mình đang ở trong tù.
Có người đến đưa mình "đi cung".
Lần này mình được ra ngoài trại giam, về lại công an tỉnh.
Họ bắt đầu hỏi mình về mối quan hệ với báo chí, mình quen ai, ai là người đứng sau lưng mình nếu mình bị bắt, ai trong gia đình là người sẽ thay mình trả lời phỏng vấn báo chí...???
Làm sao mình trả lời họ được khi chính mình đến giờ cũng không tin được làm mình đã bị bắt, làm sao mình có sự chuẩn bị khi mình không hề nghĩ đến việc như thế này?

Có vẻ họ không hài lòng. Mình chịu thôi.
Họ hỏi mình về chị Hà Giang - phóng viên đài RFA - người đầu tiên đã thực hiện cuộc phỏng vấn lúc mình bị PA38 mời đi làm việc vào tháng 7.
Họ hỏi mình về một người nào đó nói tiếng Pháp, làm cho RFI hay tổ chức nào đó.
Mình không biết người này, mãi đến sau này mới phát hiện ra, họ đã nghe điện thoại của mình lúc mình rời công an tỉnh và người này đã gọi vào số máy của mình. Họ đã xóa toàn bộ những chi tiết này khi trao trả điện thoại cho mình, bởi khi kiểm tra máy, mình nhận ra những cuộc gọi lúc mình có mặt tại phòng thẩm vấn đã không còn trên máy.

Họ bảo : mình sẽ được gặp mẹ, gặp chồng và gặp Nấm, với điều kiện mình phải động viên gia đình không được trả lời báo chí nước ngoài.
Mình không đồng ý, bởi mình không biết chuyện gì đang xảy ra ngoài kia.
Mình lại càng không muốn gặp Nấm lúc này, bởi nếu gặp con rồi phải quay trở lại trong trại giam, mình sẽ tạo ra một vết cắt thật sâu trong lòng con và cả trong lòng mình.

Mình không chịu nổi điều này đâu.

Họ hỏi mình Nấm được mấy tuổi, và mình trả lời, ngày 28 tháng 10 tới đây Nấm tròn ba tuổi.
Mình không hề đá động gì đến việc Nấm chưa tròn 36 tháng, bởi mình không muốn đem con ra làm lá chắn. Những gì mình đã làm thì mình sẽ chịu trách nhiệm.
Những người viết ra luật và cố tình lách luật thì hãy để lương tâm của họ tự vấn.

Sao mà mình cảm thấy khó chịu mỗi khi có ai nhắc đến Nấm với mình quá. Không ai thấy nhục, thấy hèn kém khi làm thế với mình hay sao?

Mình có chống đối họ đâu?

Việc mình từ chối gặp gia đình dường như khiến họ ngạc nhiên.

Có một người đã nói là mình khẳng khái. Mình không nghĩ là ông ta khen mình, bởi tiếp theo câu đó ông ấy nói rằng ông ấy nghĩ mình sẽ không hạnh phúc, bởi một người phụ nữ có cá tính như mình thường rất khó có hạnh phúc trong cuộc sống gia đình.

Điều này làm mình khó chịu, nhưng mình không tranh luận. Thứ nhất, ông ta là một người lớn có thể quan điểm về hạnh phúc của ông ta khác mình. Thứ hai, quan điểm về vai trò và chức năng của người phụ nữ trong gia đình của những người ngồi đối diện mình cũng khác mình. Không nên mất thời gian tranh luận khi biết chắc là nó sẽ chẳng đi đến đâu.

Họ khen chồng mình là một người hiền lành và hiếm có.

Họ khuyên mình nên làm tròn bổn phận của một người vợ.

Bổn phận ở đây là như thế nào?

Họ có sống cuộc sống của mình không? Có chăm sóc và nuôi nấng gia đình mình không?

Họ là ai mà cho mình cái quyền quyết định thay cuộc sống của một người khác nhỉ??

Hạnh phúc tùy thuộc vào cảm quan và đánh giá của từng người, thế mới có câu "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" chứ.

Mình đề nghị họ không nhắc đến gia đình mình, bởi đó là khía cạnh riêng tư.

Thật lòng là mình muốn nói cho họ biết, việc họ gửi giấy mời, tra hỏi chồng mình trước khi bắt giam mình cũng là một nguyên nhân khiến mình và chồng mình khó gần nhau hơn.

Bởi xét trên thực tế, mình trên 18 tuổi, sức khỏe bình thường, không hề có dấu hiệu tâm thần, tại sao lại bắt chồng mình phải chịu trách nhiệm về suy nghĩ và hành vi của mình nhỉ???

Họ nói với mình là họ đã tiến hành đúng trình tự công việc.

Mình không muốn tìm hiểu thứ gọi là trật tự của họ. Mình cho rằng họ khiến mình thấy phiền, và mình cũng cho rằng họ đang đem công việc của chồng mình ra để dọa mình.

Họ có hỏi han đến việc ăn uống trong trại giam của mình, và họ tỏ vẻ bất ngờ vì mình không có chăn màn để ngủ, không có cháo để ăn theo yêu cầu.

Rồi họ giải thích là mỗi cơ quan có một cơ cấu và cách làm việc khác nhau.

Giờ thì mình bắt đầu hiểu ra cái cơ cấu đó, ai nói cứ nói, còn làm hay không thì tùy hoàn cảnh.

Mình chợt nghĩ đến việc phải những nhìn những gì họ làm thay vì tin vào những gì họ nói.

Mình bắt đầu cân nhắc đến việc đối mặt với họ, bởi thực sự là mình không biết mình sẽ bị giam cho đến lúc nào.


16h00 :
Họ đưa mình trở lại trại giam. Chị ở chung phòng vẫn đang đợi cơm mình, vẫn chưa có cháo, và mình ăn được hơn nửa chén cơm. Có vẻ mình đã đỡ đau vì hai đêm gần đây đã ngủ được.

Mình nói chuyện với chị khá nhiều, nhưng mình nghĩ là chị sẽ không hiểu được những gì mình nói. Mình bắt đầu bày tỏ với chị lý do mình phản đối sự có mặt của Trung Quốc ở Việt Nam từ việc chỉ ra sự gian dối, tàn ác khi những món hàng Trung Quốc đang âm thầm tàn phá sức khỏe của dân mình, khi nông sản của Trung Quốc tràn ngập thị trường làm phá giá và ảnh hưởng đến dân mình.

Ai là người chịu trách nhiệm về những chuyện đó??

Và nếu người dân không có thông tin đầy đủ về xuất xứ và độ an toàn của sản phẩm thì ai phải trả lời cho những tổn hại về sau??

Hai chị em đã nói chuyện rất nhiều, cuối cùng thì chị cũng đồng ý với mình là Trung Quốc nó ác.

Đêm ở trại giam sao mà dài dằng dặc.

Ở nhà, mình chỉ cần xem ti vi hay ngồi máy tính một lúc là đã đến giờ ngủ, còn ở đây, mình nói chuyện, mình ngủ, mình giật mình vài lần mà trời vẫn chưa sáng.

Hôm nay trời mưa nên chỗ nằm của mình lạnh quá may mà chị cho mình nằm ké mền, nếu không chắc mình chịu không nổi.

Mình vẫn chưa được đem gì vào phòng giam ngoài một bộ đồ ngắn.

Ngày thứ ba mình xa gia đình.

(CÒN TIẾP)

----
Bài có liên quan: Ba Năm Tròn

Vấn nạn công an sử dụng bạo lực trong khi thi hành công vụ

Chiều ngày 1/09/2012, Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết đã khởi tố vụ án cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người. Đã có 4 công an bị tạm giữ gồm: Hoàng Ngọc Tuyên (SN 1980) - Phó công an xã Kim Nỗ, Nguyễn Trọng Kiên (SN 1991); Đoàn Văn Tuyến (SN 1983); Hoàng Ngọc Thức (SN 1988) đều là công an viên xã Kim Nỗ.

Tin trên báo Tiền Phong Online như sau:



Theo kết quả điều tra, công an huyện Đông Anh làm rõ: Hồi 8h15 ngày 30-8, UBND xã Kim Nỗ tổ chức thi hành Quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng của hộ gia đình ông Nguyễn Mậu Diệp (bố ông Nguyễn Mậu Thuận, SN 1958), tại đội 13, thôn Đoài, Kim Nỗ, Đông Anh. Quá trình cưỡng chế không xảy ra sự việc cản trở của hộ gia đình ông Diệp.
Đến khoảng 13h30 cùng ngày, ông Nguyễn Đức Vọng-Trưởng Công an xã Kim Nỗ nhận được tin báo của ông Nguyễn Mậu Phú (SN 1957, trú ở thôn Đoài, Kim Nỗ, anh em họ với ông Thuận) trình báo về việc vợ ông là bà Đoàn Thị Bút (SN 1958), bị ông Thuận dùng gạch đánh gây thương tích.
Trưởng Công an xã đã phân công anh Hoàng Ngọc Tuyên-Phó Công an xã và anh Nguyễn Mậu Thành-công an viên đến giải quyết vụ việc.
Anh Tuyên phân công anh Thức và anh Tuyến (SN 1983), đều là công an viên phối hợp với anh Thành mời ông Thuận đến trụ sở Ban công xã làm việc.
Ngay sau đó, anh Thành đã đến nhà ông Thuận (trong trạng thái say rượu) và chở ông Thuận bằng xe máy đến trụ sở Công an xã Kim Nỗ. Anh Nguyễn Mậu Công (SN 1979, là con trai ông Thuận) cũng đi xe máy theo sau.
Khi đến trụ sở Ban Công an xã, các anh Nguyễn Trọng Kiên, Hoàng Ngọc Thức và Đoàn Văn Tuyến - Công an viên đã sử dụng khoá số 8 khoá tay ông Thuận ra phía sau rồi đưa ông Thuận vào ngồi ghế gỗ trong phòng làm việc của Công an xã.
Đến khoảng 16h cùng ngày, thấy ông Thuận có biểu hiện khó thở, anh Tuyên yêu cầu anh Thức và anh Tuyến tháo khoá số 8, đưa ông Thuận lên giường phòng làm việc, dùng tay ép lồng ngực hô hấp nhân tạo cho ông Thuận.
Đồng thời gọi điện cho chị Nguyễn Thị Hạnh (SN 1974) là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Kim Nỗ và anh Lê Văn Bổng (SN 1971, là y sĩ Trạm y tế xã Kim Nỗ) đến cấp cứu. Chị Nguyễn Thị Hạnh và anh Lê Văn Bổng đo nhịp tim của ông Thuận thấy nhịp tim đập rời rạc, không đo được huyết áp nên yêu cầu ông Thuận đến Bệnh viện đa khoa Đông Anh cấp cứu.
Bệnh viện đa khoa Đông Anh cấp cứu xác định ông Nguyễn Mậu Thuận được đưa vào viện lúc 16h45 trong tình trạng: Da lạnh, tím toàn thân, huyết áp không đo được, nhịp thở không thấy, đồng tử giãn tối đa, không có phản xạ ánh sáng, ngừng tuần hoàn ngoại biên.
Công an huyện Đông Anh tổ chức khám nghiệm hiện trường, pháp y tử thi xác định: gãy xương sườn số 6,7,8 bên trái. Bác sĩ pháp y cung cấp nạn nhân có bệnh xơ gan, trong tình trạng say rượu, khi bị ngoại lực tác động sẽ gây ngưng tim dẫn đến tử vong.

Khi đọc kỹ thông tin các báo đưa ra, người đọc dễ dàng thấy rằng, cả 4 người tham gia đánh ông Thuận tuổi đời còn khá trẻ, người lớn nhất sinh năm 1980 (32 tuổi) và người trẻ nhất 1991 (21 tuổi). Điều gì khiến họ thẳng tay như thế với nạn nhân? 
Đánh một người trong tình trạng say rượu? không có khả năng tự vệ (vì bị còng tay vào ghế) đến gãy 3 xương sườn?
Ông Thuận - nạn nhân trong vụ án trên - không phải là tội phạm nguy hiểm vậy thì lý do gì mà một lúc đến 4 công an viên cùng đánh đập ông dã man, tàn nhẫn đến vậy?

Trước hết, chính các tình tiết giảm nhẹ của các vụ án làm chết người trong khi thi hành công vụ bị đưa ra xét xử. cùng các bản án đối với những công an viên đã từng đánh chết dân không đủ mạnh để răn đe họ.
Sau nữa, nghiệp vụ kém cùng những ưu đãi thuộc dạng đặc quyền khiến cho không ít công an viên quên mất chức năng và quyền hạn của mình trong khi làm việc.

Tính từ đầu năm 2012 đến nay, đã có hơn 9 người chết sau khi "được mời" làm việc, hoặc bị tạm giữ tại đồn công an. Có lẽ con số đó là nhỏ nhoi so với tỷ lệ dân số, nhưng tính theo thời gian và tăng dần cấp độ bạo lực nghiêm trọng thì đó là điều đáng phải suy nghĩ với hệ thống luật pháp hiện nay.
Công an đánh người trong khi nạn nhân không thể tự vệ, điều này không khác nào hành vi cố ý giết người trong cuộc sống thường ngày.
Đúng - sai, theo tinh thần thượng tôn pháp luật đã có luật pháp phán xét, công an không có quyền sử dụng các hình thức đánh đập để tra tấn nhằm thị uy hoặc ép cung.
Đặc biệt, với hoàn cảnh hiện tại của hệ thống pháp lý ở Việt Nam khi vai trò của luật sư biện hộ chưa được công nhận ngay từ lúc công dân bị mời, bị triệu tập làm việc với cơ quan chức năng thì việc lực lượng công an sử dụng bạo lực trong khi thi hành công vụ cần phải được xử nghiêm để đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp với tất cả mọi người.

Mỗi lần đọc được tin công an đánh dân, có người chết trong/sau khi làm việc với công an, mọi người nghĩ gì?
Tôi có đọc đâu đó có ý kiến cho rằng, công an cần phải sử dụng bạo lực để nói chuyện phải trái với những đối tượng được cho là khó bảo, và đó là điều đương nhiên. Chính những suy nghĩ như thế ít nhiều cổ vũ tính bạo lực trong mỗi con người, dù chỉ là để nói, để gõ bàn phím cho sướng tay.
"Bản chất của luật pháp phản ánh bản chất của Nhà nước đặt ra nó. Nhà nước kiểu nào thì pháp luật kiểu đó." - Và một khi vẫn còn có ý kiến cho rằng Việt Nam sử dụng luật rừng để bảo vệ ngành công an - lực lượng được mệnh danh là "thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ" thì không thể xem đây là đất nước văn minh được.

Không thể biện minh cho việc ngày càng có nhiều người mất mạng trong đồn công an, bởi cùng với sự phát triển của hệ thống thông tin thì không gì có thể che giấu mãi.

Lực lượng công an ngoài việc nâng cao nghiệp vụ xem ra phải được huấn luyện thêm kỹ năng đối thoại và phương pháp kiềm chế tính nóng giận để hạn chế các tình huống "lỡ tay" như trên.

Và quan trọng hơn hết, phải nghiêm trị các cá nhân lợi dụng chức vụ quyền hạn sử dụng bạo lực trong khi thi hành công vụ để làm gương để giữ đúng chức năng thừa hành và bảo vệ luật pháp của lực lượng công an.





Ba năm tròn


Hôm qua ngày 2/09/2012, đúng 3 năm tôi bị bắt giữ 10 ngày vì tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích quốc gia".
Ba năm - thời gian trôi rất nhanh, và có những thứ không thể nào bỏ ra khỏi đầu mình được.
Năm ngoái, cũng thời gian này, tôi không ở nhà, và như thường lệ vẫn có điện thoại mời cafe, tôi đã đùa rằng: "Nếu ở nhà vào những ngày thế này, em lại có cảm giác sắp bị bắt cho nên phải đi du lịch thôi anh ạ".

Ngày 2/09/2009, từ lúc bị tạm giữ nửa đêm, sau đó là khoảng thời gian thức trắng để "chia sẻ" với một anh an ninh đã từng học chung trường cấp 3 (trên tôi 2 lớp) về những gì đã xảy ra, về tôn giáo, và quả thực là tôi không có ý định tranh luận với anh ấy. Quan điểm của anh anh cứ nói, còn của tôi, tôi cứ giữ, xen giữa câu chuyện là những thông tin bên phía an ninh cung cấp cho tôi về các anh Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, blogger Điếu Cày... Và đến giờ nhìn lại, họ hoàn toàn là những người xứng đáng với sự tin tưởng của cá nhân tôi.

Ba năm, có nhiều thứ thay đổi, ngư trường Hoàng Sa vẫn là nơi dân Việt phải đổ máu và nước mắt để mưu sinh, quần đảo Trường Sa nay đã bị gom vào thành phố Tam Sa, và thêm nhiều văn kiện thỏa thuận được ký kết nữa.Đã có những cuộc biểu tình vì biển đảo, đã có thêm rất nhiều người quan tâm đến tình hình xã hội, và đã có thêm nhiều người trẻ can đảm dấn thân...Nhưng sự thay đổi ấy chưa đủ lớn, đủ mạnh, để cái xã hội ngày càng trở nên vô cảm này phải nghĩ, phải thay đổi. Vì sao???
Tôi nghĩ, lý do đã có nhiều người nhận ra, điều quan trọng là nên làm sao để có nhiều người có ý thức được quyền công dân của mình với xã hội từ đó nhận thức về xã hội chắc chắn sẽ được nâng cao, và làm sao để mỗi người đều có thể vượt qua được sự sợ hãi của bản thân mà đối mặt với thực tế cuộc sống.Không thể có một bài học rõ ràng về cách vượt qua nỗi sợ cho từng người, bởi mỗi cá nhân có một hoàn cảnh khác nhau, và nếu bạn biết nghĩ, bạn sẽ tự đặt câu hỏi: "Vì sao người kia làm được còn tôi thì không?" - Câu trả lời nằm ở chính bạn, nếu bạn muốn, chắc chắn bạn sẽ làm được.

Ba năm đã qua đi, và mỗi khi nhắc lại chuyện của tôi năm 2009, những người có trách nhiệm đối thoại với tôi dường như có chút ngại ngần. Tôi không gặp lại bất kỳ ai trong nhóm những người đã làm việc năm 2009, một ê-kíp mới xuất hiện, cách làm việc và thái độ cũng khác đi, bây giờ không còn là kiểu hỏi-đáp nữa, không còn các biên bản làm việc và giấy mời nữa, và đã có khái niệm đúng-sai, lắng nghe.
Tôi không hy vọng gì nhiều hơn, bởi như tôi đã nói: "Việc phải làm và cần làm thì tôi sẽ làm, và chúng ta tôn trọng nhau".
Không thể nói hoài về những sai lầm mà ai cũng biết, cách tốt nhất để thay đổi là bắt tay vào sửa chữa nó một cách thực tâm. Điều này, cần chứng minh bằng hành động hơn là những lời nói vào lời hứa.
Thay đổi hay là không? Dân tộc này cần có câu trả lời ngay bây giờ! 
2/09/2012 

Đăng lại bài cũ đã viết năm 2009

NHỮNG NGÀY J YÊU DẤU
LỜI TỰA
Đã trải qua nhiều ngày sau biến cố đáng buồn trong cuộc đời, tôi vẫn chưa lấy lại được trọn vẹn cảm xúc của mình.
Trạng thái tinh thần những ngày này là vô cảm, không vui cũng chả buồn, không còn biết bản thân mình muốn gì, cần gì nữa.
Lạ thật, tôi không hoảng sợ, nhưng dường như có một nỗi buồn cứ lớn dần lên từng ngày trong lòng mình, nó âm thầm gặm nhấm tâm hồn và cả suy nghĩ của mình, khiến con người mình bị ô xy hóa, bị trơ trơ.
Tôi cố dành thời gian để ngẫm nghĩ và nhìn lại những ngày đã đi qua để tìm lại chính bản thân mình, tìm lại khao khát và ước mơ về một cuộc sống có sự hiện diện của sự thật, công bằng và bác ái.
Tôi không hiểu thể gọi tên cảm giác trong lòng mình những ngày này nữa.
Tôi trăn trở, đau đớn và day dứt trước những mối quan tâm của mình với xã hội. Tại sao tất cả những hoài bão về một xã hội văn minh, tiến bộ hơn lại dễ bị trói buộc bởi quan điểm chính trị.
Dẫu tôi có là một bà nội trợ chỉ biết nấu ăn, chăm con và lo cho chồng đi nữa thì tôi không được quyền quan tâm đến thay đổi của xã hội chỉ vì nó gắn liền với phạm trù chính trị hay sao???
Dẫu chỉ là một cá nhân nhỏ bé, thì thiết nghĩ việc chọn cho mình một thái độ chính trị (chữ hay dùng trong các báo cáo về “diễn biến hòa bình – tự diễn biến” mà tôi được đọc) bằng việc quan tâm đến đất nước, đến xã hội mình sinh sống là có tội hay sao???
Tôi đắm chìm trong những suy nghĩ không thể gọi tên ấy mãi trên đường đi tìm lại chính cảm xúc của mình.
Mình đã trải qua những giây phút thật khó khăn và kinh khủng trong cuộc đời dù muốn hay không thì nó cũng sẽ theo mình hết quãng đời còn lại.
Vì vậy mình sẽ phải ghi nhớ  "những ngày J yêu dấu" này  - những ngày đánh dấu sự trưởng thành trong nhận thức của mình.

NHỮNG NGÀY J YÊU DẤU
7:53 ngày 28 tháng 8 năm 2009
Thật lòng là đang muốn khóc, muốn gào thét khi biết mình không thể làm gì để chia sẻ gánh nặng với gia đình anh G.
Tôi biết, ở đâu đó có một người làm mẹ, làm vợ như tôi đang cần một bờ vai để chia sẻ, một chỗ để tâm tình, để trút bớt chất chứa phiền muộn trong lòng.
Tôi biết, mà không làm được gì ngoài những lời an ủi chị. Biết làm gì hơn, khi chính tôi cũng là một người tù dự khuyết trong cái xã hội này???
Ở đâu đó có những người đang hỉ hả vui sướng vì họ cho rằng những người tù dự khuyết như chúng ta phải trả giá cho ý nghĩ, tư tưởng và hành động của mình.
Yêu nước mà phải trả giá liệu có chua xót quá không tôi, một người Việt tự xưng là mình yêu nước bằng cái lưng??
Yêu sự thật, nói lên những điều mà người ta muốn giấu, là tội trọng ở đất nước này sao??
Chưa bao giờ thấy xót xa như lúc này!

BỐN NGÀY SAU,
NGÀY QUỐC KHÁNH ĐÁNG NHỚ
Ngày 2 tháng 9 năm 2009,
Nghỉ lễ, mọi người kéo nhau ra đường tụ tập, nhậu nhẹt.
Buồn và mệt mỏi, chỉ muốn nằm đọc cái gì đó để giải tỏa  bớt những suy nghĩ đang dồn nén trong đầu.
Mọi người trong gia đình có vẻ căng thẳng vì suốt từ sáng đến giờ có khá nhiều nhân vật lạ lảng vảng quanh nhà. Cửa nhà ông đảng viên già hàng xóm cũng mở toang thì phải, lạ thật, sao lúc này lắm người đi nhầm nhà vậy ta?
17h10 ngày 2 tháng 9:
Chồng gọi, thông báo một tin chẳng vui vẻ gì mấy. Có giấy mời đi uống trà cung đình vào 8h sáng thứ Hai ngày 3 tháng 9 năm 2009.
Thật là ngộ nghĩnh, bởi xét về mặt pháp lý, mình chả có dây mơ rễ má gì với chỗ bạn chồng đang làm. Hộ khẩu thường trú nhà mình lại càng không liên quan gì đến bạn chồng, họa chăng hai đứa chỉ dính với nhau bằng tờ giấy đăng ký kết hôn có ghi địa chỉ của bạn chồng hẳn hòi ra đấy.
Bực đến nỗi muốn chửi thề, log in vào blog, để lại mỗi cái msg cho bạn bè biết mình có hẹn uống trà để mọi người yên tâm cái đã.
20h30 ngày 2 tháng 9:
Tự nhiên thấy lo lắng, gọi lại cho chồng để dặn bạn í tối ghé về đưa giấy triệu tập cho mình kẻo sáng mai lại quên.
Bạn chồng thông báo giờ phải lên công an tỉnh để làm việc theo yêu cầu.
21h15:
22h00:
22h30:
23h30:
Nghe tiếng người, tiếng chó, tiếng ồn ào nên phải choàng dậy.
Nhà lố nhố người, tổ trưởng tổ dân phố, công an phường và nhiều người mặc thường phục. Họ yêu cầu kiểm tra hộ khẩu.
Một người hỏi đến tên mình, rồi yêu cầu mình đứng dậy nghe đọc lệnh bắt khẩn cấp.
Mình vẫn chưa tỉnh ngủ hẳn nên yêu cầu được nghe lại.
Đến lúc này vẫn chưa thể tin được là mình bị bắt, theo điều 258 của Bộ luật hình sự, lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích quốc gia.
Mình nhìn chồng mình đang ngồi trên ghế, chẳng nói được câu gì, bởi không thể tin được là sau khi bị mất liên lạc với chồng khoảng 2 tiếng rưỡi thì chính chồng mình là người dắt những người đang ngồi kia về nhà để đọc lệnh bắt mình.
Thật không thể tin nổi, mình hoàn toàn không có phản ứng gì ngoài việc đề nghị mọi người giữ im lặng cho Nấm ngủ...
Không hiểu tại sao lúc này điều khiến mình sợ hãi nhất là Nấm sẽ thức dậy rồi con sẽ òa khóc trước những gì đang diễn ra, rồi con sẽ bị chấn thương tâm lý. Không hiểu làm sao mà đầu óc mình chỉ nghĩ đến mỗi việc đó.
Công an tiến hành lục soát nhà, mình cũng chẳng được phép vào phòng để chứng kiến.
Không thể tin được là mình đã và đang bị bắt ngay trong nhà của mình.
Công an đề nghị đóng cửa lại và không cho mọi người vào, nhưng mình lại muốn mở cửa, cả dì mình cũng thế, bởi mình không sợ xấu hổ, càng có nhiều người biết mình bị bắt thế này thì càng đỡ phải giải thích sau này.
Không hiểu làm sao mà đầu óc mình cứ như một tờ giấy trắng tinh như thế này.
00h20':
Sự thật là mình đã bị bắt.
Xe chạy đến trụ sở công an phường, mẹ mình chạy xe máy theo đến tận đó. Thật lòng là mình không muốn nhìn thấy cảnh này, những người trên xe bảo mẹ mình nên chạy đến nhà riêng của hai vợ chồng mình, bởi họ cũng sẽ bắt đầu khám xét khẩn cấp bên đó.
Mình bắt đầu suy nghĩ, tại sao mình lại bị đối xử thế này? Mình bây giờ có khác gì một tên tội phạm nguy hiểm đâu? Bao nhiêu người được huy động để đối phó với mình, để trừng phạt mình vì những gì mình đã làm để bày tỏ chính kiến.
Những gì mình đã làm có thật sự nguy hại đến an ninh quốc gia như họ nói không?
Tại sao họ lại đối xử với mình thế này.
Thật không thể tin được.
00h30':
00h45:
Trong một căn phòng lớn, mình bắt đầu bị thẩm vấn.
Thật lòng là mình đang buồn ngủ đến chết đi được, mọi câu hỏi xoay quanh vấn đề in áo, chuyển áo, và mặc áo.
Cái áo thun Thành Công màu xanh lá cây có chữ STOP BAUXITE - NO CHINA / HOÀNG SA - TRƯỜNG SA là của Việt Nam / Người Việt Yêu Nước - Giữ lấy màu xanh và an ninh cho Việt Nam.
Họ hỏi mình: Tại sao mình dại dột đến thế? Tại sao mình làm những công việc như thế?
Mình có khả năng ngoại ngữ tốt, có trình độ tin học, mình có thể kiếm được một công việc đủ nuôi sống bản thân???
Tại sao? Tại sao? Có rất nhiều câu hỏi tại sao như thế được đặt ra, mình đã trả lời những câu hỏi thế này khá nhiều lần rồi cho nên giờ mình không muốn lặp lại nữa.
Mục đích của mình khi đề ra ý tưởng in áo thật đã quá rõ ràng, mình đã công khai trên blog hàng tháng trời trước khi hành động. Mình có âm thầm làm đâu.
Có phải mình đã quá ngây thơ khi nghĩ rằng tất cả những việc mình làm là vô tư trong sáng, xuất phát từ ám ảnh về sự ô nhiễm môi trường,  phá hủy nguồn nước, và quan trọng nhất là sự hiện diện của những người Trung Quốc đầy dã tâm trên khắp nước Việt khiến mình nghĩ đến câu hát “1000 năm đô hộ giặc Tàu”  đã khiến mình phản kháng hay không?
Mình đang buồn ngủ, và mình chỉ muốn ngủ.
Cứ thế, những câu hỏi tại sao, những lời phân tích, chứng minh, dẫn giải cứ kéo dài.
Mình thấy hơi buồn cười là những người này đang cố dẫn dắt mình vào nếp nghĩ tất cả những gì mình đã làm đều chỉ vì tiền, vì danh vọng.
Họ cũng đã đưa ra dẫn chứng từ Lê Công Định, từ Nguyễn Tiến Trung. Mình chỉ là một bà mẹ hết sức bình thường, làm sao mình có kiến thức, khả năng và trình độ như những người đó. Những người như Định, như Trung, chỉ riêng việc họ dám nói, dám viết lên những khao khát và kêu gọi ‘trả lại hào khí Diên Hồng”  cũng đủ để mình thấy nể phục họ rồi.
Có lẽ, họ đã sai lầm khi suy nghĩ quá ngây thơ như mình?
Có lẽ, họ đã sai lầm khi tin rằng mình yêu nước một cách trong sáng như thế này làm sao có thể bị bắt?
Sự thật mà mình phải đối mặt bây giờ cũng giống như họ thôi, mình đang mất tự do và mình phải đối diện với sự thật đó. Mình phải can đảm để chịu trách nhiệm về những việc mình làm.
Xen kẻ giữa những câu hỏi là những khoảnh khắc trắng tinh trong đầu mình, bởi mình chỉ muốn ngủ.
( Còn tiếp...)


Hai mẹ con gặp nhau sau 10 ngày xa cách :)
Mình sụt hơn 5kg - "nhìn không ra con người" - theo lời bà ngoại bạn Nấm nói